Lịch sử Đình Bình An xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong

5
(8)

Bên cạnh chùa Cổ Thạch, lăng ông Nam Hải, một điểm tham quan khác không kém phần thú vị không nên bỏ qua là đình Bình An. Hay cùng Nhà Đất Bình Thuận đi tìm hiểu về ngôi đình trên 300 năm tuổi này nhé.

Đình Bình An xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong được nhà nước công nhận di tích văn hoá lịch sử cấp Quốc gia. Nằm sâu trên một triền cát thuộc địa bàn xã Bình Thạnh của huyện Tuy Phong, đình Bình An đứng sừng sững uy nghi với kiến trúc gỗ bề thế tiêu biểu và đặc sắc còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu văn bản Hán – Nôm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng liên quan chủ quyền biển, đảo.

Đình Bình An – Ngôi đình lâu đời trên 300 năm tuổi

Kể từ ngày tạo dựng đầu tiên năm 1700, đến nay đình Bình An đã trên 300 năm tuổi nhưng vẫn còn lưu giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật dân gian độc đáo.

Quần thể kiến trúc Đình Bình An toạ lạc ở vị thế cao ráo, đứng từ đình nhìn về phía Đông là những đồi cát nhấp nhô, về phía Tây và Nam là đại dương mênh mông phủ sóng. Từ hướng chính của đình nhìn về phía Tây Nam thẳng ra trùng khơi rì rầm sóng vỗ, phía Đông lại tiếp cận với những cồn cát và rặng cây râm mát, phía Tây liền cạnh Bến Hàn-nơi thuyền bè tấp nập ra vào và phía Bắc liên hoàn với xóm làng nhà cửa san sát của nhân dân.

Đình Bình An - Ngôi đình lâu đời trên 300 năm tuổi
Đình Bình An – Ngôi đình lâu đời trên 300 năm tuổi

Đình Bình An có tới 11 nóc nhọn và một số công trình phụ cận được bố trí cân đối hài hoà trong một khuôn viên rộng 1.400m2. Trong tổng thể chung các kiến trúc của đình gồm 3 nóc: Đình Chính, Đình Trung và Bái Đình được bố trí trung tâm giữa khuôn viên theo bình đồ dạng chữ Tam.

Đình Chính là nơi thờ phụng và thực hiện các nghi thức lễ hội dân gian, được tạo dựng công phu hơn so với các nóc khác. Chịu lực chính trong liên kết bộ khung và nâng đỡ đỉnh nóc là hệ thống cột gỗ tròn với 24 cột. Cách bố trí cột cân đối và phù hợp với vị trí và công năng của chúng. Ở trung tâm nhà là 8 cột chính to cao bố trí thành 2 hàng ngang, bao quanh 8 cột chính là một hệ cột con xếp thẳng hàng ngang dọc với các cột chính. Nhờ vậy, mà kết cấu bộ khung của Đình Chính qua hàng trăm năm vẫn không bị hở rời và dịch chuyển đến nay vẫn còn nguyên giá trị; không bị mối mọt. Các thành phần chi tiết gỗ ngoài công năng chiụ lực còn là những sản phẩm vật chất có giá trị cao. Từ những cây gỗ bình thường qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ chạm khắc sắc nét với hoa văn mềm mại và nhiều biểu tượng từ hình tượng “tứ linh” mai, lan, cúc, trúc đến những mô tiếp tượng trưng cho trời, đất, nước có tính triết lý phương đông của hệ tư tưởng phong kiến và nhiều cổ tự đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động…

Nét đặc biệt trong kiến trúc Đình Trung sử dụng đến 2 hệ thống con đội có chức năng riêng biệt. Nét độc đáo ở đây mỗi cây chính sử dụng cùng một lúc 2 con đội kề sát nhau, một có chức năng chống đỡ máng gỗ dài, một sử dụng chống đỡ mái hiên Đình Trung. Đặc biệt chiếc máng gỗ dài 14m được đục đẽo, gờ cạnh khéo léo từ một cây gỗ dài do ông Nguyễn Sấm người có sức khoẻ phi thường đảm nhận đại tu Đình. Chính ông đã đưa cây gỗ dài từ rừng xa về làng làm thành máng nước mà không phải lắp ráp từ nhiều đoạn gỗ. Chiếc máng xối dẫn nước mưa không chỉ là di vật quý mà còn là kỷ niệm gắn với nhân vật phi thường của ông Nguyễn Sấm. Những đề tài chạm trổ nội thất ở Đình Trung đa dạng, phong phú về hình thức, sinh động tỉ mỉ về nội dung.

Riêng ở Bái Đình có 18 cột gỗ tròn lắp ghép thành 6 vì kèo. Đỉnh nóc của Bái Đình trang trí các hình tượng lưỡng giao. Ở đây nghệ thuật trang trí nhẹ nhàng ít được chú trọng như ở Đình Chính và Đình Trung. Bái Đình là nơi tổ chức các nghi thức lễ hội và sinh hoạt văn hoá dân gian hàng năm.

Đặc biệt Đình Bình An vinh dự được các Vua Triều Nguyễn ban tặng 9 sắc phong, do chiến tranh bị thất lạc một số sắc phong, hiện còn lại 2 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn và 5 bằng cấp của tuần phủ hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa từ thế kỷ 19, cách đây 170 năm. Nội dung các sắc phong cho thấy Triều đình nhà Nguyễn đã bổ nhiệm ông Lê Văn Châm và ông Lê Non giữ trọng trách lãnh đạo chỉ huy quân sĩ thuộc các đội thủy binh bảo vệ, tuần phong vùng biển từ Bình Thuận đến Khánh Hòa. Đây là tài liệu quý liên quan đến chủ quyền biển, đảo. Tài liệu, hiện vật lịch sử nay đã được gia tộc họ Lê xã Bình Thạnh hiến tặng cho nhà nước.

Xem thêm: Mua bán đất nền ở Tuy Phong

Hiện tại đình còn lưu giữ những cổ vật bia đá, mặt bia được chạm khắc các văn tự cổ ghi lại địa thế đất, cảnh quan địa lý, vị trí hướng của từng nóc nhà. Đặc biệt bia còn ghi rõ thời gian khởi công đại tu đình, kế hoạch xây dựng, lực lượng nhân công… Ngoài ra, đình còn lưu giữ các tượng thờ, mõ, đại hồng chung, khám thờ…

Ngoài chức năng phụng thờ Thành Hoàng của làng cùng với các vị thần linh theo tập tục và tín ngưỡng dân gian, đình còn thờ phụng nhiều vị anh hùng nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đình Bình An Gắn liền với địa danh được tạo lập từ thời Hậu Lê

Đình Bình An gắn kết liên hoàn với nhiều di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Cổ Thạch Tự, Lăng Ông Nam Hải, mộ ông Phạm Đoan; bãi đá 7 màu, mũi La Gàn… tạo thành một tổng thể du lịch trong chuyến du lịch dọc theo bờ biển Bình Thạnh nên đã thu hút khá nhiều du khách đến tham quan viếng đình chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ.

Xã Bình Thạnh cách trung tâm thị trấn Liên Hương chừng 7-8km tính theo đường chim bay về phía Nam của huyện Tuy Phong, phía Đông giáp với bờ biển, phía Tây giáp với xã Chí Công, phía Bắc giáp quốc lộ 1A, phía Nam – Đông Nam giáp với biển Đông. Mãnh đất nhỏ hẹp này đã từng là hậu cứ của phong trào cách mạng địa phương suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đình Bình An Gắn liền với địa danh được tạo lập từ thời Hậu Lê
Đình Bình An Gắn liền với địa danh được tạo lập từ thời Hậu Lê

Bình Thạnh được tạo lập vào khoảng năm 1692 thời Hậu Lê rối ren, lục đục, nhiều luồng di dân lớn do Chúa Nguyễn khởi xướng từ vùng “Ngũ Quảng” vào khai khẩn, tiếp quản vùng đất mới phía Nam. Họ coi đây là cơ hội để thoát khỏi thảm họa của những cuộc chiến tranh khốc liệt giữa các thế lực phong kiến.

Theo một số tài liệu và gia phả của nhiều họ tộc lớn của xã Bình Thạnh vào nửa cuối thế kỷ XVII; các họ tộc Lê, Nguyễn, Huỳnh, Phạm là những lớp người đầu tiên đến đây khai khẩn, tạo lập xóm làng lấy tên là thôn Bình An. Đến năm Canh Thìn 1700, khi xóm làng và cuộc sống đã định hình, các bậc tiền bối trong thôn đã chăm lo xây dựng đình.

Tuy buổi đầu tranh lá đơn sơ nhưng cũng là nơi tôn nghiêm để phụng thờ Thành Hoàng, tổ tiên của làng theo tập tục cổ truyền. Lúc này cuộc sống của nhân dân làng Bình An đã ổn định và phát triển, nhân dân trong làng đã đồng tâm hiệp lực đại tu lại đình. Lần đại tu này đã tạo nên những công trình kiến trúc quy mô, bề thế và tôn nghiêm thuộc vào hàng nổi bật nhất của loại hình kiến trúc nghệ thuật dân gian ở Bình Thuận.

Trên 3 thế kỷ trôi qua; sự tồn tại của Đình Bình An, Tuy Phong đều gắn chặt với quá trình đấu tranh lịch sử bền bỉ của nhân dân địa phương. Nơi đây đã từng lưu gót đoàn quân Tây Sơn trong những năm giao tranh ác liệt. Hàng trăm con người trung dũng của Bình Thạnh đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nổi tiếng nhất là Chánh quản cơ Phạm Đoan, hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm nghi, ông đã chiêu mộ hàng trăm binh sĩ làm lễ tuyên thệ ra mắt Thành Hoàng tại Đình Bình An. Sau những chiến công hiển hách mà ông lập được, thực dân Pháp đã bắt và xử chém ông. Xác ông được nhân dân an táng trên đồi La Mây cách Đình Bình An về phía Đông Bắc khoảng 500m.

Trên 3 thế kỷ trôi qua; sự tồn tại của Đình Bình An đều gắn chặt với quá trình đấu tranh lịch sử bền bỉ của nhân dân địa phương.
Trên 3 thế kỷ trôi qua; sự tồn tại của Đình Bình An đều gắn chặt với quá trình đấu tranh lịch sử bền bỉ của nhân dân địa phương.

Đình Bình An gắn với mảnh đất con người Bình Thạnh kiên trung bất khuất. Hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào nơi đây đã ngã xuống vì sự bình yên của dân tộc mà những linh hồn bất tử thiêng liêng ấy vẫn được khắc ghi và sưởi ấm tại đình.

Có thể nói Đình Bình An là một công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian độc đáo bề thế và tôn nghiêm nhất ở Bình Thuận. Qua hàng trăm năm dưới tác động của thiên nhiên hà khắc và bom đạn ác liệt của chiến tranh nhưng Đình Bình An vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn những sắc thái ban đầu và vẫn tồn tại mãi mãi với thời gian./.

Hình ảnh chi tiết bên trong đình Bình An

Đang cập nhật ….

 

Trên đây là những thông tin về Đình Bình An xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong mà BĐS Bình Thuận đã tổng hợp từ nhiều nguồn để mang đến cho các bạn những thông tin tổng quan nhất.

Nếu có nhu cầu đầu tư, mua đất xã Bình Thạnh hãy liên hệ với các tư vấn viên của BĐS Bình Thuận để được tư vấn những thửa đất đẹp nhất với giá cả đầu tư tốt nhất.

Bài viết này hữu ích với Bạn chứ ?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu: 8

Chưa có đánh giá cho đến hôm nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *